Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng cao, bám sát giá vàng miếng SJC. Điểm đặc biệt là giá thu mua vàng nhẫn của các đơn vị cao hơn vàng miếng SJC lên hơn 1 triệu đồng mỗi lượng.
Giá bán vàng nhẫn tăng sát giá vàng miếng SJC, trong khi mua vào cao hơn lên đến 1 – 1,3 triệu đồng/lượng. Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vàng nhẫn với giá 82,5 triệu đồng, bán ra 83,3 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 82,54 triệu đồng, bán ra 83,44 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 82,75 triệu đồng, bán ra 83,45 triệu đồng… Tốc độ tăng giá vàng nhẫn trong những ngày gần đây khá nhanh khi thị trường vàng khan hiếm nguồn cung. Chính điều này mà giá mua vàng nhẫn đắt hơn cả giá vàng miếng SJC.
Giá vàng miếng SJC đứng yên bất động
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng bất động ở mức 81,5 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 83,5 triệu đồng. Giá vàng miếng SJC hiện cao hơn quốc tế 4,1 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã giảm mạnh 16 USD/ounce, xuống còn 2.659 USD/ounce. Dù vậy, giá kim loại quý thế giới vẫn ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ kỳ vọng ngày càng tăng về đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ khác của Mỹ trong năm nay. Giá vàng đang hướng đến quý tốt nhất trong hơn 8 năm sau nhiều lần “xô đổ” kỷ lục trong 3 tháng qua.
Với vai trò là biện pháp phòng ngừa trước sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế, vàng đã tăng khoảng 14% trong quý này, mức tăng mạnh nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2016 và tăng khoảng 29% trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong 14 năm. Thị trường dự báo mức giá 3.000 USD/ounce của vàng sẽ nhanh chóng xuất hiện khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lộ trình cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.